Sa sút trí tuệ hay tình trạng giảm trí nhớ ngắn hạn được gây nên bởi nhiều nguyên nhân. Trong Y học, hội chứng này có thể gặp ở nhiều căn bệnh khác nhau, trong đó phổ biến và thường xuyên xuất hiện chính là Alzheimer.
Alzheimer là bệnh lý về não, có sự tác động đến trí nhớ, hành vi và suy nghĩ. Đây không phải là căn bệnh thần kinh hay các bệnh lão khoa thông thường.
Những phiền toái với gia đình khi một người mắc bệnh Alzheimer
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Alzheimer là một căn bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi, xảy ra khi các sợi dây thần kinh trong não bộ bị thoái hóa hoặc tổn thương, gây nên tình trạng mất cân bằng sản xuất hormone. Tình trạng này có thể bị gây ra do yếu tố môi trường hoặc di truyền.
Thông thường, bệnh Alzheimer sẽ xuất hiện ở những người già trong độ tuổi 80 – 90, có trường hợp mắc bệnh sớm ở độ tuổi 50 – 60. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng tăng. Vậy có dấu hiệu nào nhận biết về căn bệnh này hay không?
- Quên tên người thân, người quen biết hay các sự kiện mới tiếp xúc, bị lẫn lộn.
- Cảm xúc không ổn định, thường bùng nổ cảm xúc với người thân, bạn bè.
- Hay bực dọc, xua đuổi mọi người, gây ra các cảm xúc đối nghịch, chậm hiểu.
Vào giai đoạn đầu, người bệnh thường hay quên và thay đổi các hành vi nhưng vẫn nhớ các sự kiện. Song, ở giai đoạn sau này, người bệnh sẽ mất trí nhớ, khả năng phán đoán, suy luận hoàn toàn. Nếu không được phát hiện sớm và có phương án điều trị phù hợp, bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như các tai nạn vùng đầu, hay vấp ngã, gãy chân tai,… Thời gian càng kéo dài, nhiều hệ lụy khác xuất hiện càng nhiều.
Tiến Sĩ Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị người già thuộc Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, các bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer thường có các triệu chứng suy giảm chức năng nhận thức, kèm theo đó là loạn thần, rối loạn hành vi, cảm xúc, gây áp lực lớn cho gia đình, nhất là với những ai trực tiếp chăm sóc. Nghiêm trọng hơn là gây cho không ít người phải rơi vào trạng thái trầm cảm.
Sai lầm người cao tuổi hay mắc phải khi điều trị bệnh Alzheimer
Các bác sĩ ở Viện Sức khỏe tâm thần thường phát hiện, nhiều người nhà, người thân của các bệnh nhân Alzheimer không thể nhận ra ông bà, cha mẹ của mình mắc bệnh mà chỉ nghĩ đơn thuần đó là các triệu chứng của tuổi già. Đây chính là sai lầm lớn nhất khiến người cao tuổi ngày càng giảm sút trí nhớ và sức khỏe.
Ngoài ra, cũng có không ít người cao tuổi hoặc người thân nhận biết được bệnh Alzheimer nhưng lại tự ý điều trị ở nhà bằng các loại thuốc bổ sung vitamin, thuốc bổ não. Điều này không chỉ không đạt hiệu quả điều trị mà còn gây tốn kém, lãng phí tiền của. Bác sĩ Hà An cho biết, không có một loại thuốc bổ não nào có thể điều trị bệnh Alzheimer nói riêng và bệnh sa sút trí tuệ nói chung. Những loại thuốc do bác sĩ chuyên khoa kê đơn cũng chỉ là thuốc hỗ trợ, bổ trợ cho não, không phải thuốc đặc trị căn bệnh này.
Một sai lầm khác trong việc điều trị bệnh Alzheimer cho người cao tuổi, đó là đơn thuốc do bác sĩ kê với lượng uống trong 1 tháng, sau đó hẹn ngày tái khám. Song, do nhận thức không đầy đủ nên người nhà hoặc người bệnh đã mua luôn thuốc uống cả năm. Điều này vô cùng phổ biến nhưng cũng rất là tai hại. Bởi qua quá trình tái khám, tùy vào diễn biến của bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh loại thuốc, lượng thuốc phù hợp. Việc mua lượng thuốc lớn dùng trong thời gian dài sẽ khiến người bệnh mất đi cơ hội điều trị, đồng thời còn tăng thêm các nguy cơ khác cho sức khỏe.
Dấu hiệu nhận biết bệnh Alzheimer từ các chuyên gia:
Theo các chuyên gia, nếu phát hiện các dấu hiệu sau, người bệnh nên đến gặp bác sĩ thăm khám để được điều trị càng sớm càng tốt:
- Giảm trí nhớ khiến cuộc sống hàng ngày rối loạn.
- Gặp khó khăn khi lên kế hoạch hoặc giải quyết các vấn đề.
- Gặp khó khăn khi sinh hoạt, hoạt động các việc làm quen thuộc.
- Rối loạn về mặt thời gian và không gian.
- Khó nhận biết về mối quan hệ trong gia đình, ngoài đời và các hình ảnh trực quan.
- Gặp khó khăn với các từ ngữ khi viết hoặc đọc.
- Đặt đồ vật nhầm chỗ và không có khả năng nhớ các bước để tìm lại các vật dụng.
- Giảm khả năng phán đoán, quyết định.
- Thu mình khỏi xã hội hay công việc thường ngày.
- Thay đổi nhân cách và cảm xúc.
Cách phòng ngừa bệnh Alzheimer ở người cao tuổi:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm giàu dinh dưỡng, ít chất béo bão hòa.
- Nên ăn các thức ăn giàu chất chống oxy hóa.
- Tập thể dục thường xuyên để tăng cường lượng lưu thông máu và oxy lên não.
Khi phát hiện bản thân hoặc người nhà mắc bệnh Alzheimer, tốt nhất nên thực hiện theo những hướng dẫn của bác sĩ. Tránh mắc phải các sai lầm kể trên để được điều trị tốt nhất, hạn chế bệnh tiến triển nhanh chóng, gây ra những hệ lụy khó lường.