Ngôi chùa Lâm Quang nằm khuất sâu trong một xóm nghèo ở bến Bình Đông, có địa chỉ tại số 301/117/70H Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TPHCM. Hơn 20 năm qua, nơi này vẫn luôn là mái nhà chung của hơn 300 cụ già neo đơn không nơi nương tựa.
Mái ấm tình thương của những cụ già neo đơn
Hơn cả một viện dưỡng lão, mà chùa Lâm Quang còn là nơi nương tựa, là mái ấm của những cụ già neo đơn, không có người chăm sóc.
Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này đã thấy có 4 cụ bà hành khất ban ngày đi kiếm sống, ban đêm về đây xin tá túc. Xúc động trước những cảnh đời bất hạnh, sư cô đã đem các cụ vào chùa chăm sóc. Từ ngày đó, mái ấm tình thương chùa Lâm Quang được thành lập; mỗi năm, chùa lại có có thêm nhiều cụ xin vào nương tựa. Không chỉ là nơi nương tựa của các cụ già, chùa Lâm Quang cũng là nơi cưu mang nhiều em nhỏ cơ nhỡ.
Những cụ già đến đây hầu như đều không có nơi nào để vể, hoặc có nhưng lại không thể về.
Hàng ngày, các sư cô, Phật tử và những tình nguyện viên đến làm công quả cùng chăm sóc cho các cụ trong từng bữa ăn, giấc ngủ, thuốc thang, tắm giặt và dọn dẹp vệ sinh chỗ ở…Bên cạnh đó, các cụ còn được đặc biệt quan tâm tới vấn đề sức khỏe như được thường xuyên thăm khám, phát thuốc, đo huyết áp, nhịp tim… Nhà chùa cũng thường xuyên mời các bác sĩ đến để kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe cho các cụ. Điều này giúp các cụ phần nào cảm thấy yên tâm về sức khỏe của mình.
Khi các cụ qua đời thì đều được nhà chùa lo hậu sự từ đầu tới cuối, từ các thủ tục an táng tới thờ cúng.
Những khó khăn của chùa
Việc mở nhà dưỡng lão chăm sóc các cụ già neo đơn hoàn toàn xuất phát từ tấm lòng của sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến. Chính vì thế, các ni sư trong chùa Lâm Quang đều chăm sóc cho các cụ bằng tất cả những gì có thể.
Để có kinh phí để chăm sóc tốt cho các cụ già, những ngày đầu các ni sư của chùa phải làm thêm nhiều việc từ làm nhang, bán xôi, hủ tiếu chay; hay nhận nấu thức ăn chay cho các gia đình phật tử khi có đám, tiệc để có thêm chi phí chăm sóc các cụ,…
Dần dần, việc làm nhân ái của nhà chùa đã nhận được sự quan tâm của nhiều người dân và nhà hảo tâm. Người góp công, người góp của phụ giúp nhà chùa. Nhà chùa cũng tiết kiệm mọi kinh phí đến mức có thể, để lo cho cuộc sống của các cụ được ổn định và đủ đầy.
Không chỉ là một chỗ để nương tựa cho những cụ già neo đơn, chùa Lâm Quang còn là mái ấm tình thương, là tấm lòng nhân ái của các sư cô, phật tử, và những mạnh thường quân. Dù vẫn điều kiện vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhưng chùa Lâm Quang luôn dang rộng vòng tay chào đón những mảnh đời chưa được may mắn, với tình yêu thương chân thành và thấu cảm.