Suốt 26 năm qua, nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn vẫn luôn là mái ấm tình thương của hơn 200 cụ bà không người thân, không nơi nương tựa tại TP.HCM.
Nhà dưỡng lão Vinh Sơn được thành lập như thế nào?
Nhà Dưỡng Lão Tình Thương Vinh Sơn thuộc Tu Viện Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn, nằm ở địa chỉ: 469 Nơ Trang Long, Phường 13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Năm 1994, sau những lần thăm viếng những cụ già tại gia đình, các nữ tu thuộc Cộng Đoàn Tu Nữ Từ Bác Ái Vinh Sơn – Bình Lợi tìm thấy một số cụ đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn: không nơi nương tựa, phải sống nhờ hàng xóm, phải tự bươn chải kiếm sống qua ngày, có cụ nằm liệt một chỗ không người chăm sóc.
Nhìn thấy những mảnh đời không may mắn, các nữ tu đã đưa 5 cụ yếu, neo đơn, đang sống lay lắt trên các mương, rạch về nuôi dưỡng trong căn nhà gần bờ sông, nằm trong khu đất của Tu Hội: 469 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
Ngày 15.08.1997, nhà dưỡng lão tình thương Vinh Sơn được chính thức hình thành, với 3 gian phòng đơn sơ: 1 phòng là nơi thờ phụng, 1 phòng dùng làm nhà ngủ và 1 phòng dành cho các cụ không có khả năng đi lại. Sau này, các phòng được chỉnh trang và có thêm nhà bếp, nhà ăn và nhà vệ sinh.
Khuôn viên của viện rộng 1200m2, nằm ngay sát bờ sông Sài Gòn, được bao quanh bởi nhiều cây cối, mang đến không gian và môi trường sống trong lành, yên tĩnh. Các gian phòng được sắp xếp theo cấp độ sức khoẻ của các cụ. Viện cũng xây dựng khu sinh hoạt chung, dành cho các đội nhóm tình nguyện đến tổ chức sinh hoạt với các cụ.
Trong hơn 26 năm qua, dưỡng lão Vinh Sơn là nơi chăm sóc cho hơn 200 cụ bà (không tiền, không nhà cửa, không có người thân nương tựa) từ lúc vừa vào viện dưỡng lão cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Lịch sinh hoạt hàng ngày của các cụ
Mỗi ngày, các cụ có 3 bữa ăn chính và 2 bữa ăn giữa giờ cho các cụ bị liệt. Thức ăn được thay đổi hợp khẩu vị, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi, và đáp ứng nhu cầu riêng của từng người. Đối với các cụ bị liệt, thức ăn được xay nhuyễn. Các cụ đang còn khỏe, sẽ phụ giúp các cụ bị liệt.
Lịch sinh hoạt hàng ngày:
- 5h00 – 5h30: Thức dậy, vệ sinh cá nhân
- 5h30 – 6h30: Đọc kinh, thánh lễ
- 6h30 – 7h15: Ăn sáng, rửa chén và tắm cho các cụ
- 7h15 – 8h00: Các cụ còn khỏe nhặt rau, rửa rau và chuẩn bị bữa cơm trưa.
- 8h00: Nhân viên đưa các cụ bị liệt lên xe lăn ra ngoài tắm nắng và bấm huyệt.
- 8h00 – 10h15: Các cụ bị liệt ăn trưa
- 10h15 – 10h30: Các cụ bên lành ăn trưa
- 10h30 – 11h30: Các cụ đọc kinh
- 11h30 – 14h00: Các cụ nghỉ trưa
- 14h00 – 14h30: Vệ sinh tổng quát các cụ bị liệt lần 2 và ăn giữa giờ
- 14h30 – 15h00: Các cụ bên lành đọc kinh tại nhà nguyện
- 15h00 – 16h15: Tham gia giờ giáo lý ( thứ 5 )
- 16h15 – 17h30: Các cụ ăn chiều
- 17h30: Đọc kinh tối, tự do và đi ngủ
Viện cũng xây dựng tủ sách, trang bị tivi để các cụ giải trí, theo dõi tin tức và các hoạt động văn hóa khác.
Trong năm, cũng thường có các tổ chức tới thăm viếng, sinh hoạt văn nghệ để động viên tinh thần cho các cụ.
Những khó khăn của viện dưỡng lão Vinh Sơn
Hiện nay, viện dưỡng lão Vinh Sơn đang được sơ Lương Thị Ngọc Anh quản lý. Nguồn tài chính chủ yếu là từ Tu viện Vinh Sơn – đơn vị chủ quản của viện hỗ trợ.
Bên cạnh đó, viện cũng nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, những đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, với nhiều khoản chi phí, viện cũng gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính để có thể cải thiện đời sống, cũng như nâng cấp cơ sở vật chất.
Về chế độ ăn uống, dinh dưỡng, viện luôn đảm bảo ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp các cụ có tình trạng sức khỏe yếu, nặng, viện thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu hụt thuốc. Đặc biệt, một số cụ không đầy đủ giấy tờ như CCCD, nên không thể mua bảo hiểm y tế, và đến lúc các cụ mất, việc mai táng cũng gặp nhiều khó khăn và trở ngại.
Không chỉ khó khăn về mặt tài chính, mà viện cũng đang thiếu hụt nhân viên chăm sóc cho các cụ. Các sơ và một số giáo dân tại khu vực là những người tình nguyện làm việc cho viện dưỡng lão, nhưng công việc khá nhiều nên cũng phải thuê thêm người giúp.