Tình trạng già hóa dân số đang là một thách thức lớn với Trung Quốc, đất nước có dân số đông nhất thế giới. Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm mạnh và dân số già đi nhanh chóng, hàng loạt trường mầm non phải đối mặt với tình trạng không đủ học sinh và buộc phải tìm cách duy trì hoạt động bằng cách chuyển đổi thành trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Xu hướng này không chỉ tạo ra sự thay đổi lớn trong xã hội mà còn hé lộ một giai đoạn phát triển mới cho ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở quốc gia này.
Chuyển đổi nhà trẻ thành viện dưỡng lão, giải pháp bất đắc dĩ
Trường hợp của bà Zhuang Yanfang, 56 tuổi, ở tỉnh Chiết Giang là một minh chứng điển hình. Sau nhiều năm điều hành một trường mầm non, bà đã quyết định “hô biến” ngôi trường này thành một trung tâm dưỡng lão khi không thể tuyển đủ học sinh. Những bức tường sặc sỡ từng là biểu tượng của thế giới tuổi thơ đã được sơn lại thành màu trắng nhã nhặn; bảng đen và các dụng cụ học tập dành cho trẻ em đã được thay thế bằng bảng thông tin chăm sóc sức khỏe, lịch trình bữa ăn và các thiết bị phục vụ người cao niên. Sự thay đổi này không chỉ đáp ứng nhu cầu của người già mà còn là cách giúp các cơ sở giáo dục tư nhân tồn tại trong một giai đoạn khó khăn.
Tỷ lệ sinh giảm, các nhà trẻ dần khép cửa
Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã sụt giảm đáng kể kể từ khi chính sách một con được áp dụng vào năm 1980. Mặc dù chính phủ đã nới lỏng chính sách này vào năm 2016 và tiếp tục cho phép sinh thêm con, tỷ lệ sinh vẫn không có dấu hiệu phục hồi. Theo số liệu, số trẻ em trong độ tuổi mầm non đã giảm gần 15% chỉ trong hai năm từ 2021 đến 2023, chỉ còn dưới 41 triệu trẻ. Điều này khiến hơn 20.000 trường mầm non phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô hoạt động, theo thống kê từ Bộ Giáo dục Trung Quốc. Đây cũng là giai đoạn mà chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích giảm số lượng trường mầm non tư nhân để mở rộng hệ thống trường công.
Ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi phát triển mạnh
Trong khi các trường mầm non chật vật tồn tại, ngành công nghiệp chăm sóc người cao tuổi lại chứng kiến sự bùng nổ. Từ năm 2019 đến nay, số lượng viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người già ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi, với hơn 410.000 cơ sở tính đến tháng 10 năm 2024. Theo dự báo của các chuyên gia, dân số Trung Quốc sẽ tiếp tục già hóa. Ông Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody’s Analytics, dự đoán rằng đến năm 2040, khoảng 30% dân số sẽ trên 65 tuổi, gấp đôi con số hiện tại, trong khi dân số dưới 15 tuổi sẽ chỉ còn khoảng 10%.
Xu hướng tiêu dùng của bgười cao tuổi và “Nền Kinh Tế Bạc”
Theo nhà kinh tế Tianchen Xu, nhóm người cao tuổi sẽ trở thành thị trường tiêu dùng trọng yếu trong tương lai. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều công ty tại Trung Quốc đã chuyển đổi sản phẩm và dịch vụ sang phục vụ người cao tuổi. Các công ty sữa trước đây chuyên cung cấp sản phẩm cho trẻ nhỏ nay đã ra mắt dòng sản phẩm dinh dưỡng dành cho người trung niên, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ, tăng cường mật độ xương và sức đề kháng. Tại các thành phố lớn như Thượng Hải, các phòng tập thể dục dành cho người cao tuổi cũng ngày càng phổ biến, với trang thiết bị phù hợp và các dịch vụ trị liệu nhằm chăm sóc sức khỏe mãn tính.
Trước tình hình dân số già hóa, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh hỗ trợ cho “nền kinh tế bạc” – một thuật ngữ chỉ nền kinh tế xoay quanh người cao tuổi. Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển các trung tâm dưỡng lão, thúc đẩy tiêu dùng và dịch vụ cho người cao tuổi. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang phát triển các sản phẩm từ robot chăm sóc, thiết bị điện tử thông minh đến các dụng cụ y tế tích hợp trí tuệ nhân tạo phục vụ nhu cầu của người cao tuổi trong nước lẫn thị trường quốc tế.
Tương lai của ngành dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Trung Quốc
Với nhu cầu ngày càng gia tăng và sự hỗ trợ từ chính phủ, các trung tâm dưỡng lão được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống xã hội của Trung Quốc. Đây không chỉ là giải pháp để các cơ sở giáo dục tư nhân tiếp tục hoạt động mà còn là dấu hiệu về một mô hình kinh doanh bền vững cho tương lai.