Trên tinh thần “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, năm 1985 Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng đã được thành lập, trực thuộc Ty Thương Binh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng.
Lịch sử, quá trình thành lập trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng
Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng TP. Đà Nẵng có địa chỉ tại 64 Phan Tứ, tổ 26 Mỹ An, Quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Trung tâm chính thức được thành lập vào ngày 1/5/1985, trực thuộc Ty Thương binh tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với tên gọi Trại nuôi dưỡng người có công cách mạng gồm có 11 cán bộ công nhân viên, phụng dưỡng 25 cụ từ trại thương binh nặng Hội An chuyển về.
Để phù hợp với nhiệm vụ và ý nghĩa của công tác phụng dưỡng, ngày 15 tháng 9 năm 1994, UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đổi tên Trại nuôi dưỡng người có công cách mạng, thành Trung tâm phụng dưỡng người có công cách mạng.
Ngày 01/01/1997, thành phố Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, UBND thành phố đổi tên Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, thành Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố Đà Nẵng. Lúc bấy giờ có 22 cán bộ công nhân viên và phụng dưỡng 52 cụ.
Cơ sở vật chất tại trung tâm
Từ cơ sở ban đầu có diện tích nhà sử dụng xấp xỉ 600 m2, năm 1999 – trung tâm tiếp tục mở rộng thêm một dãy nhà 6 phòng hơn 160 m2. Đến năm 2013, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thống nhất xây mới lại toàn bộ Trung tâm, gồm 2 khu nhà 2 tầng, diện tích sử dụng 2.500 m2, để phụng dưỡng các cụ và điều dưỡng luân phiên.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng được đầu tư về cảnh quan, khuôn viên với nhiều cây xanh, rộng rãi và thoáng mát – tạo không gian thư thái cho các cụ dạo bộ, hay tập luyện thể thục, thể thao.
Chế độ chăm sóc tại trung tâm
Trung tâm hiện đang chăm sóc 47 cụ, trong đó có 20 cụ nằm bất động và bán bất động là những người, thân nhân gia đình có công với cách mạng.
Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất, chế độ chăm sóc tại trung tâm cũng ngày càng được nâng lên. Từ việc trước đây các cụ tự dùng phụ cấp người có công của mình để chi cho bữa ăn, đến nay thành phố hỗ trợ tiền ăn là 2.100.000 đồng/ cụ/tháng. Mỗi năm cấp 1 bộ đồ dùng sinh hoạt bao gồm quần áo, chăn đệm… từ nguồn ngân sách thành phố nên công tác chăm lo luôn được đảm bảo.
Các dụng cụ sinh hoạt cá nhân, chế độ thuốc men của các cụ được cung cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất dần hoàn thiện và chế độ chăm sóc được chú trọng đã góp phần giúp đơn vị thực hiện nhiệm vụ phục vụ, phụng dưỡng các cụ ngày càng chu đáo hơn.
Bên cạnh đó, các cụ ở trung tâm cũng thường xuyên nhận được sự quan tâm, động viên, thăm hỏi từ các tổ chức, chính quyền và mạnh thường quân – không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của các cụ, mà còn là món quà tinh thần vô cùng nhân văn và ý nghĩa.