Tin tức

Khi còn sáng suốt, người cao tuổi nên chọn nơi để nương tựa (Kỳ 1)

Bạn đã bao giờ nghĩ về bổn phận của chúng ta đối với cha mẹ khi họ già đi chưa? Chưa vội bàn về các nghĩa vụ pháp lý (mà thực sự không có), chúng ta sẽ nói về trách nhiệm luân lý và đạo đức. Hầu hết những người cao tuổi khi bước vào những năm tháng cuối đời sẽ phải đối diện với nhiều thực tế nan giải như chia tài sản, lựa chọn người chăm sóc hay nơi nương tựa… Đi cả quãng đường dài cùng với các con, nhìn con lớn, trưởng thành và có cuộc sống riêng, nhưng về già, cha mẹ lại phải cô đơn trong những suy tư của mình. Cũng chính vì thế, nhiều ý kiến cho rằng những người cao tuổi khi còn sáng suốt nên chọn trước nơi để nương tựa lúc già yếu.

Đi cả quãng đường dài cùng với các con, nhìn con lớn, trưởng thành và có cuộc sống riêng, nhưng về già, cha mẹ lại phải cô đơn trong những suy tư của mình.

Chúng Ta Nợ Cha Mẹ Điều Gì Khi Họ Già Đi?

Trước khi bắt đầu thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ khi họ già đi, có một câu nói tuyệt vời của Tia Walker, đồng tác giả của cuốn sách ‘Người chăm sóc được truyền cảm hứng’. Tia nói, “Được chăm sóc cho những người đã từng dành trọn cuộc đời để chăm sóc chúng ta là điều vinh dự nhất.” Câu nói này cực kỳ ý nghĩa và có giá trị nhân văn sâu sắc. Vì vậy, hãy nghĩ về những “bổn phận” của người con và làm những cách để đạt được vinh dự cao cả đó. Bởi, điều chúng ta nợ cha mẹ là không thể cân đo đong đếm được.

Đảm bảo rằng họ có một nơi để gọi là ‘nhà’

Mặc dù chúng ta không có nghĩa vụ pháp lý phải ở nhà với cha mẹ của mình khi họ già đi, nhưng chúng ta chắc chắn có nghĩa vụ đạo đức để đảm bảo rằng họ không phải là người vô gia cư. Ngày nay, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn gây nên nhiều vướng mắc trong ý thức hệ gia đình. Nhiều người thường nghĩ rằng con trai sẽ có trách nhiệm ở cùng cha mẹ và nuôi dưỡng cha mẹ khi về già. Hơn nữa, tài sản được chia cho con trai cũng sẽ nhiều hơn con gái. Nhưng thực chất, việc phụng dưỡng cha mẹ hoặc việc chia của cải vật chất trong gia đình nên có sự đồng đều với nhau, ai cũng có nghĩa vụ như nhau.

Nếu có người sống cùng và chăm sóc cha mẹ lúc về già là điều vô cùng tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu cha mẹ chọn sống trong một cộng đồng hưu trí hoặc viện dưỡng lão thì chúng ta cũng chưa phải hết trách nhiệm với họ. Bởi cha mẹ xứng đáng có một nơi ở thoải mái.

Đặc biệt, đừng để xảy ra việc tranh chấp tài sản hoặc trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ khi về già. Đồng thời, cũng không nên để cha mẹ thấy rằng chúng ta đã hy sinh nhiều như thế nào khi để họ sống cùng chúng ta. Cha mẹ chúng ta không phải là “nghĩa vụ”. Họ là những người đã nuôi nấng chúng ta và hy sinh cho chúng ta. Chúng ta “nợ” họ mọi thứ. Như Eleanor Roosevelt đã nói, “Những người trẻ đẹp là ngẫu nhiên của tự nhiên, nhưng những người già đẹp là tác phẩm nghệ thuật.” Hãy đối xử với cha mẹ như kho báu và tác phẩm nghệ thuật mà họ đang có.

Người già cần chọn một định hướng “nương tựa”

Trên thực tế, có không ít trường hợp con cái bỏ rơi cha mẹ, thậm chí “lừa lọc” cha mẹ để lấy nhà cửa, của cải và khiến họ không nơi nương tựa. Con cái đã lớn phớt lờ cha mẹ đã gây ra rất nhiều đau khổ về mặt tình cảm và những vấn đề về sức khỏe thể chất cho cha mẹ.

Trên thực tế vẫn còn nhiều người cao tuổi bị chính con cái “bỏ rơi” khiến họ rơi vào cảnh vất vả mưu sinh qua ngày.

Hiện nay, một số người cao tuổi phải chật vật sống trong cảnh bị bỏ rơi, ít có người nhận ra rằng họ có thể chủ động chọn nơi nương tựa cho mình khi còn đang minh mẫn.

Về phương diện pháp luật luôn ủng hộ quan điểm chia đều tài sản cho các con, bao gồm cả con nuôi vẫn được hưởng mức thừa kế ngang nhau nếu cha mẹ mất khong để lại di chúc – theo điều 651 Bộ luật Dân sự 2015. Trong Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 cũng quy định cha mẹ: “Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ” (khoản 4, điều 69).

Luật sư Trần Hoài Nhân – Giám đốc Công ty luật TNHH UNIBROS VN cho rằng: “Giáo dục con cái là quan trọng, nhưng việc cha mẹ sinh con, trời sinh tính vẫn hay xảy ra. Tính cách con cái có thể thay đổi theo thời gian, môi trường sống, đặc biệt khi chúng trưởng thành, kết hôn. Mặt khác, mọi phương án đều có xác suất rủi ro nên người già có tài sản cần thận trọng, có nhiều phương án chăm lo bản thân xếp thứ tự ưu tiên như: nhờ con, thuê người chăm sóc, vào viện dưỡng lão hoặc tìm người thỏa thuận giám hộ… Còn đối với phận làm con mà không tròn đạo hiếu thì sự trừng phạt của pháp luật nhiều khi không đáng sợ bằng sự trừng phạt của tòa án lương tâm.”

Vậy nên, cần phải tuyên truyền sâu rộng tư tưởng sẵn sàng chọn lựa nơi nương tựa cho người già, người cao tuổi để họ có thể chủ động sắp xếp cuộc sống của mình khi còn có thể. Việc trông cậy vào con cái là một phần, nhưng cũng sẽ có các giải pháp linh hoạt hơn để người lớn tuổi được an hưởng tuổi già một cách tự do và thoải mái nhất.

5/5 - (1 vote)

Join The Discussion